10/04/2023

BÁNH GẠO MAY MẮN CỦA NGƯỜI HÀN QUỐC

Canh bánh gạo Tteokguk là một trong các món canh cực kỳ quan trọng với người Hàn. Bằng cách nấu canh bánh gạo Hàn Quốc, các gia đình cùng nhau chào đón năm mới. Vậy Tteokguk là gì? Cách nấu bánh gạo Hàn Quốc này có gì đặc biệt? Cùng tìm hiểu nhé!

Giống Tết Nguyên đán của Việt Nam, Tết cổ truyền của người Hàn Quốc (Seollal) diễn ra vào ngày 1/1 theo lịch âm và mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là thời điểm bày tỏ lòng hiếu kính, tưởng nhớ tổ tiên, mà còn là dịp các thành viên trong gia đình quây quần, cùng nhau ăn uống, trò chuyện.

Vào những ngày này, các bà nội trợ Hàn Quốc sẽ chuẩn bị mâm cơm năm mới với khoảng 20 món ăn truyền thống. Trong đó, canh bánh gạo (Tteokguk) mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong thời khắc tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới

Có một câu nói thường được nhắc đến "Từ khi sinh ra đến lúc chết đi cuộc đời người Hàn Quốc đều có bánh gạo". Từ lễ Tết, cưới hỏi đến sinh nhật, không sự kiện trọng đại trong cuộc đời của người Hàn có thể trọn vẹn nếu thiếu bánh gạo tteok. Tteok là món bánh truyền thống làm từ gạo nếp chín giã nhuyễn, nặn thành những chiếc bánh nhỏ, đem hấp hoặc chiên.

Đây là một món canh truyền thống của người Hàn Quốc. Vào dịp Tết Nguyên đán, người Hàn ăn canh bánh gạo tteokguk tượng trưng cho may mắn và sức khỏe trong năm mới. Các nguyên liệu trong cách nấu canh bánh gạo Hàn Quốc Tteokguk này là bánh gạo, đậu hũ, thịt bò, trứng thái chỉ, rong biển,… và nước hầm xương bò. Tteokguk là một món canh nhất định phải có trong buổi sáng ngày đầu tiên của năm mới. Phong tục này giống như việc ăn bánh chưng, bánh tét ở Việt Nam.

Ý nghĩa đầu tiên của việc này chính là đến từ gạo – thành phần không thể thiếu ở món canh này. Thực phẩm quan trọng nhất ở Hàn không đâu khác chính là gạo. Thời xưa khi Hàn Quốc còn nghèo đói, các gia đình chỉ ăn bánh gạo vào những dịp đặc biệt. Canh bánh gạo giống như là một niềm vui lớn trong ngày lễ. Màu trắng của bánh tteok biểu thị cho sự tinh khiết - một năm mới khởi đầu tốt đẹp, may mắn.

Ý nghĩa thứ hai của canh bánh gạo Tteokguk là thể hiện sự đánh dấu cho việc đã bước sang 1 tuổi mới. Người Hàn rất xem trọng việc này Nếu như buổi sáng đầu năm bạn không ăn một bát Tteokguk, điều đó có nghĩa là năm đó bạn sẽ chưa trưởng thành. Thậm chí, tục lệ này đã trở nên quen thuộc đến mức, thay vì hỏi tuổi tác, người ta sẽ hỏi nhau “Bạn đã ăn được bao nhiêu bát canh bánh gạo rồi?”.

Trong đó, nếu sử dụng bánh gạo trắng dài thì ý nghĩa tiềm ẩn bên trong là muốn mang đến cuộc sống khỏe mạnh và trường thọ hơn. Do đó, khi ăn bánh gạo dài thì người Hàn Quốc tự nhủ rằng không nên làm đứt miếng bánh gạo trước khi ăn, ngược lại nếu kéo bánh gạo ra càng dài sẽ càng tốt.

Ngoài ý nghĩa trường thọ thì bánh gạo dài còn tượng trưng cho sự thịnh vượng về tài sản và tiền tài. Bởi chiều dài của chiếc bánh gạo được ví như sự giàu có của gia đình. Song song đó, bánh gạo có dạng thái lát tròn mỏng tượng trưng cho đồng xu mang ý nghĩa mong ước một năm mới dồi dào của cải, phát tài và kiếm được nhiều tiền hơn vào năm mới.

Món canh bánh gạo vào năm mới ở Hàn Quốc không hẳn chỉ có màu trắng bởi ngoài bánh gạo thì món canh này còn có sự tham gia của nhiều nguyên liệu khác như trứng, rong biển, cá tuyết, thịt bò, tôm, bào ngư, gà... Do đó, tuy nguyên liệu chính là bánh gạo nhưng món canh này lại có rất nhiều vị đậm đà bạn nhé.

Hiện nay, bánh gạo được làm sẵn và bày bán quanh năm tại các siêu thị hoặc cửa hàng. Dù vậy, người Hàn Quốc vẫn luôn chuẩn bị cho bản thân và gia đình một bát Tteokguk vào ngày Tết, khiến ngày lễ trở nên trang trọng và ý nghĩa hơn.